Nông nghiệp Kinh_tế_Việt_Nam_thời_Hồ

Từ cuối triều Trần, khi nắm quyền điều hành triều chính, Hồ Quý Ly đã bước đầu đã có những tác động toàn diện tới kinh tế - xã hội Đại Việt.

Đầu tiên, Hồ Quý Ly ra một loạt biện pháp nhằm tăng tăng cường quyền sở hữu của nhà nước về ruộng đất, tăng ngân sách của triều đình.[1]

Tháng 6 năm 1397 đời Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly nhân danh vua Trần xuống chiếu hạn chế danh điền (tức là ruộng tư có người đứng tên); theo đó các vị vương và trưởng công chúa thì số ruộng không hạn chế; đến thứ dân thì số ruộng là 10 mẫu, người nào có nhiều nếu có tội, thì cho tùy ý được lấy ruộng để chuộc tội, bị biếm chức hay mất chức cũng được làm như vậy. Số ruộng thừa phải hiến cho nhà nước.[2]

Sang năm 1398, Hồ Quý Ly ra lệnh cho dân phải nêu rõ họ tên cắm ở trên ruộng; quan lộ, phủ châu, huyện cùng khám xét, đo đạc, lập thành sổ sách, 5 năm mới xong; ruộng nào không có giấy khai sinh báo hay cam kết thì lấy làm quan điền (ruộng công).[2]

Đến khi Hồ Hán Thương lên ngôi, năm 1402 đã ra lệnh định lại các lệ thuế và tô ruộng, theo đó:[2]

  • 1 mẫu tăng thu từ 3 thăng thóc lên 5 thăng.
  • Bãi dây mỗi mẫu tăng thu từ 9 quan hoặc 7 quan tiền tăng lên theo hạng:
    • thu hạng thượng đẳng mỗi mẫu 5 quan tiền giấy
    • hạng trung đẳng mỗi mẫu 4 quan tiền giấy
    • hạng hạ đẳng 3 quan tiền giấy.
  • Tiền nộp hằng năm của đinh nam từ 3 quan, nay chiếu theo số ruộng để thu:
    • người nào chỉ có 5 sào ruộng thì thu 5 tiền giấy
    • Người nào từ 6 sào đến 1 mẫu thì thu 1 quan;
    • Từ 1 mẫu 1 sào đến 2 mẫu thu 2 quan
    • Từ 2 mẫu 1 sào đến 2 mẫu 5 sào thu 2 quan 6 tiền
    • Từ 2 mẫu 6 sào trở lên thu 3 quan.

Đinh nam không có ruộng và trẻ mồ côi, đàn bà góa, thì dẫu có ruộng cũng thôi không thu.

Sau khi chiếm được đất Thăng Hoa và Tư Nghĩa của Chiêm Thành (1402), để khuyến khích dân cư đến định cư ở vùng đất mới, Hồ Hán Thương mộ dân nộp trâu để cấp cho dân mới dời đến ở vùng này, người nộp được ban tước.[2]

Thời gian tồn tại của nhà Hồ rất ngắn, không thấy sử sách chép lại về kết quả đạt được của hoạt động nông nghiệp trong thời kỳ này.